Nguy cơ ngộ độc rượu
Loại rượu duy nhất để uống được là rượu ethylic hoặc ethanol được sản xuất theo quy trình riêng và sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm.
Hiện nay ở nước ta, rượu được bày bán tràn lan từ nông thôn đến thành thị, với nhiều chủng loại như tự nấu, tự pha chế, nhập ngoại, mẫu mã đa dạng, bắt mắt. Trong loại rượu được pha chế từ hóa chất methanol (cồn công nghiệp) thay vì lên men từ gạo là độc hại hơn cả.
Methanol là hóa chất lỏng và là nguồn năng lượng bắt nguồn từ khí thiên nhiên, than, chất thải sinh học, và CO2. Nó được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu hóa học và ứng dụng làm năng lượng sạch cho môi trường (nhiên liệu vận tải, nhiên liệu hàng hải, pin năng lượng mặt trời, phát điện, nấu ăn…).
Methanol là dạng rượu cồn đơn giản nhất, là chất lỏng nhẹ, bay hơi, không màu, dễ cháy với mùi vị đặc trưng rất giống với ethanol (loại rượu uống được). Methanol có độc tính rất cao.
Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25ml/kg đã gây mù mắt và 0,5ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%).
Theo các chuyên gia chống độc, khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic (formate) – là chất độc hơn methanol rất nhiều.
Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt, ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim, gây suy đa tạng, thậm chỉ tử vong.
Các biểu hiện khi bị ngộ độc methanol
Để phân biệt ngộ độc rượu với ngộ độc methanol là khá khó. Bởi ban đầu đều có những biểu hiện khá tương đồng, nhưng sau khoảng 18 – 24 tiếng, các biểu hiện ngộ độc cồn công nghiệp mới rõ. Cụ thể:
– Thần kinh: Bệnh nhân tỉnh táo, đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.
– Mắt: Ban đầu chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,…).
Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc.
Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Các dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.
– Dấu hiệu sinh tồn: Bệnh nhân có nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu, huyết áp thường bình thường cho đến khi tử vong. Trước khi có các biện pháp điều trị đặc hiệu như hiện nay, bệnh nhân thường tử vong do ngừng thở.
Cách sơ cấp cứu khi bị ngộ độc methanol
Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là khi có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản đầu tiên là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn.
Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng… nhằm tránh hạ đường huyết.
Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiên an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.
Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị… thì cần phải đưa tới bệnh viện khám vì đây là biểu hiện ngộ độc methanol.
Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc methanol, nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu sớm nhất khi có thể.
Nguồn: tamsugiadinh