Để góp phần phòng, chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác do rượu mang lại, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong - (Bệnh viện tâm thần Hà Nội) đã có những chia sẻ nhanh với báo GD&TĐ xoay quanh vấn đề này.
* Bác sĩ cho biết nguyên nhân và tình trạng bệnh nhân trầm cảm do rượu mà bệnh viện tiếp nhận điều trị thời gian qua?
- Bệnh nhân trầm cảm do rượu thường là các bệnh nhân uống rượu nhiều và uống rượu lâu ngày. Thường họ có nhiều năm uống rượu (khoảng 20 năm) trong đó có từ 5 năm - 10 năm là giai đoạn nghiện rượu.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã khuyến cáo sử dụng rượu thái quá gây hại cho sức khỏe về mặt cơ thể cũng như tâm thần. Bản thân mỗi chúng ta nên trang bị cho mình những hiểu biết về tác hại của rượu để chủ động tránh xa những rủi ro do thức uống này. Bởi khi những vấn đề và bệnh lý do rượu gây ra có thể nói là rất nhiều và trong đó có những rối loạn tâm thần, gây ảnh hưởng không chỉ đến đời sống cá nhân, gia đình mà còn góp phần gây ra các vấn nạn xã hội.
Tại sao lại có sự trầm cảm do rượu, bởi trong quá trình uống rượu tạo cho họ cảm giác hưng phấn, sau quá trình uống rượu lâu ngày thì các phản ứng hưng phấn suy giảm và chuyển sang quá trình ức chế.
Bệnh nhân uống rượu hay nghiện rượu thường bỏ bê công việc hàng ngày và dành nhiều thời gian vào uống rượu. Thậm chí, không giao tiếp với xã hội dẫn đến việc lạm dụng rượu khiến bệnh nhân ngày càng thụ động giao tiếp thậm chí lệ thuộc vào rượu, không có rượu họ không chịu đựng được. Từ đó, bệnh nhân sẽ uống rượu từ sáng đến trưa và uống cả ngày.
Thời điểm này, tình trạng bệnh nhân thường bị xơ gan rồi và lượng rượu họ uống đã giảm do sức khỏe hạn chế (trước uống 1 lít hoặc ½ lít nhưng giờ chỉ được khoảng 0,3lít hàng ngày). Cùng với đó, bệnh nhân có những tư tưởng bi quan về tương lai và họ sẽ dùng rượu với hy vọng để cho mất, giảm cảm giác bi quan đó. Thời gian qua số lượng bệnh nhân bị trầm cảm do rượu đang gia tăng.
* Vì đâu số lượng bệnh nhân bị trầm cảm do rượu lại gia tăng và hậu quả của bệnh nhân trầm cảm này?
- Việc mua bán rượu thời gian qua trên thị trường là rất dễ dàng, thậm chí ngay cả trẻ em cũng có thể tự mua rượu được. Trong khi đó lượng rượu hiện tại, nhiều cơ sở pha chế không đúng quy trình sản xuất rượu và thường rượu giả, từ cồn biến thành rượu. Nếu không may, người tiêu dùng uống phải rượu không đảm bảo chất lượng, hay uống quá nhiều rượu khiến ngoài việc họ nghiện rượu ra họ ngộ độc chính những chất trong rượu.
Lượng ngộ độc do rượu ngày càng tăng, đặc biệt là những ngày cuối năm bởi họ đi lễ, đi du lịch, tổ chức các hoạt động tổng kết… uống nhiều khiến ngộ độc rượu và các nguy hại từ rượu. Hiện tại, tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội, theo thông tư 36 tất cả các bệnh nhân nghiện rượu, chất kích thích được giảm tiền viện phí lên lượng bệnh nhân vào viện điều trị rất đông.
Xem thêm: CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ NGỘ ĐỘC RƯỢU CHỨA METHANOL
Nguy hiểm nhất những bệnh nhân trầm cảm do rượu họ có những hành vi tự làm tổn thương bản thân, tự hủy hoại thân thể. Đến giai đoạn bị nặng thậm chí họ có ý tưởng tự sát, hoặc có những hoang tưởng, ảo giác như bị truy hại khiến họ lao ra ngoài đường tự tử… hoặc có bệnh nhân bị ảo giác nhìn thấy ma qủy và nghe thấy tiếng nói xui khiến trong đầu để họ có thể thực hiện các hành vi không kiểm soát.
Thời gian qua, bệnh trầm cảm do rượu đến khám rất là đông thuộc nhiều lứa tuổi. Bệnh viện tâm thần Hà Nội nhiều thời điểm bị quá tải do lượng bệnh nhân đến đông.
* Những giải pháp hữu hiệu và khuyến cáo của bác sĩ về phòng, chống cho bệnh nhân bị trầm cẩm do rượu.
- Trước tiên phải tuyên truyền về những tác hại của rượu, khi uống nhiều rượu, cơ thể xuất hiện những biểu hiện như đau bụng âm ỉ, buồn nôn, đầy bụng, chướng hơi, thậm chí là nôn ra máu,… nên đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám, chữa trị kịp thời.
Khi thấy người nghiện rượu có dấu hiệu loạn thần, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều trị loạn thần và cắt cơn cho người nghiện rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện.
Cùng với việc dùng thuôc chống loạn thần, để không tái nghiện rượu, bản thân người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.
Nguồn: Giáo dục thời đại