NGÀNH CÔNG NGHIỆP RƯỢU VANG TẠI LỤC ĐỊA GIÀ CÓ BIẾN TRONG MÙA VỤ 2016-2017
Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban Châu Âu (EC) vừa công bố, sản lượng nho trên toàn Châu Âu mùa vụ 2016-2017 dự báo giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 36 năm qua, tác động nặng nề tới ngành sản xuất rượu vang của Lục địa già. Nguyên nhân là do hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như mưa đá, sương giá xuất hiện muộn vào mùa xuân cùng với thời tiết khô nóng của mùa hè khiến các vườn nho tại nhiều khu vực bị hư hại.
Báo cáo nêu rõ, sản lượng nước nho ép chưa lên men của 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) trong mùa vụ năm nay dự kiến đạt khoảng 145,1 triệu hectolit (1 hectolit = 100 lít), giảm 14% so với mùa vụ 2015-2016 và là mức thấp kỷ lục kể từ mùa vụ năm 1981-1982. Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế nhận định ngành công nghiệp rượu vang đóng góp 300 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu hằng năm đang bị đe dọa nghiêm trọng vì tình hình biến đổi khí hậu. Một danh sách riêng dành cho các cường quốc rượu vang lớn nhất thế giới đang bị đe dọa từ các thảm họa thiên nhiên được đưa ra, bao gồm Italia (sản xuất 4,9 tỷ lít/năm), Pháp (4,2 tỷ lít/năm), Tây Ban Nha (3,8 tỷ lít/năm), Mỹ (2,25 tỷ lít/năm) và Australia (1,25 tỷ lít/năm).
Cụ thể, tại Tây Ban Nha, sản lượng nước nho ép chưa lên men trong mùa vụ 2016-2017 dự kiến giảm 16% so với mùa trước. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Pháp và Italia với mức giảm được dự báo lần lượt là 17% và 21%. Thậm chí, sản lượng nho của Pháp năm nay còn được xem là sẽ thấp hơn mức của năm 1991 - năm mà vụ thu hoạch nho bị ảnh hưởng nặng nề do sương giá.
Hằng năm, ngành công nghiệp rượu vang bị mất hàng chục tỷ USD do hư hại trong quá trình sản xuất. Nhiều cây nho già bị thiệt hại do hậu quả của thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Ngay cả những rung động nhỏ từ các trận động đất cũng có thể gây ra những cú sốc, có khả năng phá hủy các phòng nếm rượu, hầm chứa rượu. Ngoài ra, thị trường rượu vang thế giới cũng đang bị suy giảm chất lượng do tác động từ bức tranh kinh tế - chính trị chung với nhiều chính sách đang khá lỏng lẻo, chưa rõ ràng.
Các nhà nghiên cứu hy vọng ngành công nghiệp rượu vang sẽ không rơi vào cảnh quá ảm đạm vì các nước sản xuất rượu vang khác như Anh, Canada và khu vực phía Bắc Trung Quốc đang có kế hoạch tăng sản lượng, đồng thời tiếp tục cải thiện thị phần cũng như chất lượng sản xuất. Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn là lời cảnh báo nhằm thúc đẩy mọi người hành động chống lại sự biến đổi khí hậu.